- Published on
Địch quốc phá, mưu thần vong - Khi sự cống hiến không phải là tấm khiên bảo vệ trước làn sóng sa thải
- Authors
- Name
- Đức Trường
Chúng ta đã trải qua đợt layoff trong ngành công nghệ cực lớn xuyên suốt 3 năm vừa rồi và tới giờ là ngành ngân hàng.
Mình có nghe chuyện một anh làm nhân viên ngân hàng nọ hơn chục năm và đợt rồi cũng nằm trong danh sách bị cắt giảm. Anh ấy rất shock và ko tin rằng bản thân đã cống hiến cho ngân hàng cả thập kỷ vậy mà lại có thể bị nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự. Thật lòng mà nói thì mình rất đồng cảm những ai đã đến tuổi đc cho là "già" khi đi xin việc ở Việt Nam mà lại đột ngột mất việc như vậy. Chắc hẳn tâm lý họ khi nghe tin sẽ rất nặng nề và nó sẽ dai dẳng một thời gian sau vì trên vai họ là bố mẹ, phía sau lưng là gia đình, vợ con đang dựa vào họ. Mình có thể mường tượng đc những câu hỏi sẽ luôn xuất hiện trong đầu họ khi đó sẽ là "Mình sẽ làm gì tiếp theo đây? Mình sẽ tìm việc mới ở đâu? Liệu họ có chấp nhận một người "già" như mình đi xin việc? Liệu mình nên tiếp tục theo nghề này ko hay nên tìm một hướng đi mới?"
Trong mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp, công ty, tổ chức thì việc đặt "tất cả" lên bàn cân để quy ra tỉ suất lợi nhuận khi đầu tư là tất yếu. Dù cho bạn có đang là nhân viên kỳ cựu và năng lực vẫn rất tốt, nhưng hãy thử đặt địa vị bạn là sếp điều hành doanh nghiệp - mục tiêu của bạn là tạo ra lợi nhuận và phải luôn tối ưu để lợi nhuận luôn tăng trưởng. Trong hoàn cảnh bạn có thông tin, số liệu trong tay và chúng nói lên rằng nhân sự này ko tạo ra nhiều giá trị cho tổ chức nữa thì liệu bạn sẽ xử lý như nào? Có phải cách nhanh gọn nhất lúc đó bạn nghĩ tới là cắt giảm hoặc thay thế nhân sự phải ko.
Qua quá trình quan sát và trải nghiệm của mình, thì mình đã nhận ra một bài học lớn với mọi người đó là "Trong cuộc sống này, chúng ta, hay bất kỳ sự vật, sự việc nào sẽ có xu hướng phát triển theo chiều hướng đi lên (tốt - xấu mình ko bàn tới), nhưng trong quá trình đi lên đó, sẽ xuất hiện rất nhiều pha lên - xuống, xuống - lên, lên - xuống giống hình zigzag đang hướng lên. Nó là quy luật tất yếu giống Thành - Trụ - Hoại - Diệt trong quan niệm phương Đông về sự vận hành của vạn vật. Chúng ta sẽ luôn cần chuẩn bị cho những kịch bản ko như ý xảy ra - vì mình ko thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nếu điều ko như ý tới với mình thì ít nhất chúng ta đã chuẩn bị tâm lý trước đó và có kế hoạch để phản ứng lại theo cách bình tĩnh và tốt nhất mà chúng ta đã chuẩn bị."
Quay lại về câu chuyện, trong vai trò của một người đi làm thuê "chuyên nghiệp" thì đây là những điều mình đúc rút được, xin chia sẻ lại với mọi người:
1/ Xác định rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả chuyện ko như ý. Đừng bao giờ tự tin rằng thâm niên hay sự cống hiến sẽ bảo vệ bạn khỏi sự đào thải.
2/ Luôn chuẩn bị kịch bản cho những điều ko như ý xảy ra. Nếu ngày mai tôi mất việc, tôi sẽ làm gì?
3/ Xây dựng cho mình các phương án dự phòng ngay kể cả khi mọi chuyện đều đang rất thuận lợi với mình. Xây dựng cho mình nhiều nguồn thu nhập hoặc nhiều lựa chọn sự nghiệp. Đừng chỉ dựa vào một công việc duy nhất.
4/ Hãy luôn giữ một tinh thần ham học hỏi và thích nghi để bắt kịp với sự thay đổi ko ngừng nghỉ của cuộc sống. Trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, kỹ năng có thể lỗi thời rất nhanh. Thứ duy nhất không lỗi thời chính là tinh thần học hỏi.
5/ Quan trọng: Cần hiểu thời thế - biết mình đang ở giai đoạn nào trong sự phát triển của cá nhân và tổ chức để biết khi nào nên tiến, khi nào nên rút lui hay chuyển hướng cho phù hợp.
Khi môi trường kinh doanh thay đổi không ngừng, sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân phụ thuộc vào khả năng thích nghi và sẵn sàng đối mặt với mọi biến động.
Hãy tỉnh táo nhận thức quy luật của cuộc chơi, và chủ động chuẩn bị hành trang cho những biến động không thể tránh khỏi.